Google bị kiện vì buộc các hãng điện thoại cài sẵn Chrome khi bán

Google bị cáo buộc “bắt” các hãng điện thoại cài đặt sẵn Google Search và Chrome trên Android, lạm dụng “quyền thống trị” trên thị trường tìm kiếm online để đẩy giá quảng cáo.

Vụ kiện tập thể được đệ trình hôm 16/4 tại Tòa án Cạnh tranh của Vương quốc Anh, cáo buộc Google đã lạm dụng vị thế để hạn chế các công cụ tìm kiếm khác, củng cố vị thế thống lĩnh trên thị trường và biến mình thành doanh nghiệp duy nhất cho quảng cáo tìm kiếm online.

Vụ kiện cũng cho rằng Google buộc các nhà sản xuất điện thoại phải cài đặt sẵn Google Search và Chrome trên các thiết bị Android. Điều này cho phép công ty “tính giá quảng cáo cực kỳ cạnh tranh” khiến giá quảng cáo tìm kiếm tăng cao và gây thua lỗ cho các công ty phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo.

Google cũng bị cáo buộc đã trả cho Apple “hàng tỷ bảng Anh” để thiết lập Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari.

Theo đơn, hAlphabet (công ty mẹ của Google) đã thu 14 tỷ bảng Anh (18,6 tỷ USD) từ quảng cáo tìm kiếm chỉ riêng trong năm 2023.

Or Brook, phó giáo sư luật cạnh tranh tại Đại học Leeds là người đệ đơn kiện thay mặt cho hàng trăm nghìn tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh đã sử dụng dịch vụ quảng cáo tìm kiếm của Google.

“Ngày nay, các doanh nghiệp và tổ chức của Anh, dù lớn hay nhỏ, hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng quảng cáo của Google để quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của họ”, bà Brook cho biết.

Đơn kiện cho rằng Google đã tận dụng sự thống trị của mình trong thị trường tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm nói chung để tính phí quá cao cho các nhà quảng cáo.

Nếu vụ kiện thành công, Google sẽ phải bồi thường cho bất kỳ công ty nào đã mua quảng cáo Google từ ngày 1/1/2011 đến ngày 15/4/2025.

Google gọi vụ kiện này là “một vụ kiện mang tính suy đoán và cơ hội khác” và cho biết họ có kế hoạch “phản đối mạnh mẽ”.

Người phát ngôn Google nói với CNBC: “Người tiêu dùng và nhà quảng cáo sử dụng Google vì nó hữu ích, chứ không phải vì không có giải pháp thay thế nào khác”.

Hơn một thập kỷ điều tra chống độc quyền ở Châu Âu

Google đã khởi đầu năm mới sóng gió ở Anh khi bị Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh (CMA) mở một cuộc điều tra chống độc quyền. Cơ quan này sẽ quyết định liệu Google có thị phần đáng kể trên thị trường công cụ tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm hay không và nếu có thì điều đó tác động như thế nào đến người tiêu dùng, nhà quảng cáo, nhà xuất bản tin tức và các công cụ tìm kiếm khác.

CMA cho biết Google chiếm hơn 90% tổng số truy vấn tìm kiếm và hơn 200.000 công ty Anh đăng quảng cáo trên thanh tìm kiếm của Google.

EU đã khởi kiện Google về nhiều hành vi cho rằng vi phạm luật chống độc quyền trong thập kỷ qua, lần đầu tiên là vào năm 2010.

Đến năm 2013, Ủy ban Châu Âu phát hiện ra rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền của EU bằng cách ưu tiên cho Google Shopping trong kết quả tìm kiếm. Công ty đã bị yêu cầu nộp khoản tiền phạt 2,42 tỷ euro.

Google đã thất bại trong lần kháng cáo đầu tiên trước Tòa án chung của EU. Hãng đã đưa vụ việc lên Tòa án Công lý EU, nhưng tiền phạt vẫn được giữ nguyên.

Năm 2018, Google tiếp tục bị Liên minh châu Âu phạt 4,3 tỷ euro (4,9 tỷ USD) vì lạm dụng sự thống trị của hệ điều hành di động Android bằng cách buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải cài đặt sẵn Chrome. Google vẫn đang kháng cáo mức phạt này.

Cũng vì hành vi, hôm 15/4, Google đã bị Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) ban hành lệnh cấm tại nước này. Theo đó, Google phải ngừng bắt buộc các hãng điện thoại cài đặt và hiển thị nổi bật dịch vụ tìm kiếm của Google sẵn trên điện thoại thông minh.

Australia và Canada cũng đang xem xét hoạt động kinh doanh của Google.

Luật chống độc quyền của các nước này tương tự EU, tức là cấm các công ty có vị trí thống lĩnh thị trường lợi dụng vị thế đó để gây tổn hại đến cạnh tranh, ví dụ như áp giá không công bằng, áp đặt điều kiện… Theo luật chống độc quyền EU, các công ty vi phạm có thể bị phạt tiền tới 10% doanh thu toàn cầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *